Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Gửi vàng cũng mặc cả lãi suất


Gửi vàng cũng mặc cả lãi suất

Dù ngân hàng công khai trên bảng niêm yết, nếu khách hàng nào biết mặc cả sẽ được hưởng lãi suất thực tế cao hơn nhiều.

Đang gửi 80 cây vàng ở một nhà băng với lãi suất chỉ 1% một năm, trong khi lãi suất huy động vàng ở một số ngân hàng đang tăng cao, chị Xuân quyết định tất toán hợp đồng để chuyển sang ngân hàng khác.
Cuối tuần trước chị mang số vàng này đến gửi ở một ngân hàng lớn tại TP HCM. Bảng niêm yết lãi suất của nhà băng này chỉ ghi 1,2% một năm cho kỳ hạn một tháng, cô nhân viên giao dịch cũng thông báo mức lãi như trên. Chị Xuân không đồng ý với lý do các ngân hàng khác đang áp dụng lãi suất cao hơn, từ 2% trở lên. "Nếu ngân hàng vẫn giữ lãi suất thấp thì tôi không đồng ý gửi và sang nơi khác có lãi hợp lý hơn", chị Xuân kể lại câu chuyện đàm phán lãi suất với ngân hàng.
Ngay lập tức, nhân viên giao dịch đề nghị chị đợi để hỏi ý kiến cấp trên, sau đó thông báo chấp nhận mức lãi suất 2% một năm cho kỳ hạn một tháng (cao hơn niêm yết 0,8%).
Tùy trường hợp, khách có thể mặc cả lãi suất huy động vàng với nhà băng. Ảnh: Lệ Chi
Một số ngân hàng khác trên địa bàn TP HCM thời gian gần đây cũng có tình trạng tương tự. Dù Ngân hàng Nhà nước chưa áp trần lãi suất huy động chứng chỉ vàng nhưng các nhà băng chỉ công bố niêm yết ở một khung lãi suất nhất định, rồi thỏa thuận với khách mức khác.
Điều này khiến nhiều người dân khi đi gửi vàng đều có thói quen mặc cả. "Cứ thi thoảng dò xem nơi nào chịu trả lãi cao nhất mình sẽ gửi, không có gì phải vội vàng", chị Thanh Lan ở quận Bình Tân bộc bạch.
Lý giải việc này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu cho rằng, dù lãi suất huy động vàng không bị khống chế trần nhưng nhà băng cũng không dám đẩy lên quá cao vì rất rủi ro. Mức lãi suất huy động vàng của ACB hiện nay dao động từ 0,85 đến 1,5% tùy từng kỳ hạn là mặt bằng chung cho cả hệ thống.
Tuy nhiên, người đứng đầu mỗi chi nhánh ngân hàng có thể cân nhắc để "du di về lãi suất". "Chẳng hạn, nếu là khách quen hoặc muốn gửi số vàng lớn thì chi nhánh sẽ cân nhắc tăng thêm một ít so với mặt bằng chung đã công bố để thu hút nguồn vàng này, chứ không phải ai cũng có thể mặc cả được lãi suất", ông Toại nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, cho rằng bao giờ người gửi cũng ở thế chủ động vì họ có nhiều kênh đầu tư để chọn lựa như chứng khoán, bất động sản, tiền đồng... Bản thân nhà băng cũng chỉ là một định chế trung gian, nếu không có đầu ra tốt thì cũng không thể huy động của khách hàng nhiều. Đấy là lý do đôi khi ngân hàng áp dụng những mức lãi suất gửi linh hoạt, dẫn đến việc khách hình thành thói quen mặc cả.
Nhiều nhà băng đang đẩy mạnh lãi suất huy động vàng với nhiều lý do. Với những nhà băng thuộc nhóm G5+1, có thể việc bán vàng bình ổn khiến nhu cầu về kim loại này tăng nên tích cực gom vàng và chấp nhận lãi suất cao. Còn những ngân hàng không nằm trong nhóm bình ổn thị trường, vì mục đích chuyển vàng thành tiền đồng nên cũng đẩy mạnh gom vàng. Do đó, việc thỏa thuận lãi suất gửi vàng cao hơn niêm yết là điều tất yếu.
Nhìn nhận việc này, một chuyên gia kinh tế tại TP HCM cho rằng, lãi suất linh hoạt trong tình huống này tạo nên sự bất công bằng. Bởi vì, cá nhân đến gửi vàng mà không mặc cả lãi suất thì chỉ được hưởng ở mức đúng như công bố đã được niêm yết của ngân hàng, trong khi cũng chừng ấy vàng và kỳ hạn gửi như nhau nhưng người biết mặc cả lại được hưởng lãi cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét