Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Lãi suất huy động vàng lên 3% một năm


Lãi suất huy động vàng lên 3% một năm

Lần thứ hai trong tháng, lãi suất huy động vàng được một số ngân hàng đẩy lên, có nơi là 3% một năm . Khuyến mại cho người gửi vàng cũng được nhiều nhà băng áp dụng.

Hôm 21/10, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) nâng lãi suất huy động vàng tối đa lên 3% một năm cho các kỳ hạn 3 đến 12 tháng, tăng 0,5% so với đầu tháng. Riêng hai kỳ hạn ngắn hơn là 1-2 tháng, mức lãi suất là 2,95 và 2,96% một năm, cũng được nới thêm lần lượt 1,15% và 0,76% so với trước.
Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa cũng vừa áp dụng bảng lãi suất chứng chỉ huy động vàng mới từ 11/10 với lãi suất cao nhất là 2,7% một năm cho 6 và 9 tháng, tăng 0,5% so với trước đó. Với kỳ hạn thấp hơn, lãi suất dao động 2-2,6% một năm, tăng 0,2-0,8%.
Lãi
Lãi suất huy động vàng cao nhất hiện nay là 3% một năm. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.
Một số ngân hàng thuộc nhóm bán vàng bình ổn G5+1, lãi suất vẫn cố định như trước nhưng lại áp dụng khuyến mại, ưu đãi với khách gửi vàng. ACB giữ nguyên huy động ở 0,85-1,3% một năm. Chương trình cộng lãi suất 0,2-0,5% khi khách gửi vàng đã kết thúc trước đó. Tuy nhiên, nhân viên một phòng giao dịch ACB tại Hà Nội cho biết, từ khoảng 10 ngày nay, đơn vị này tiếp tục triển khai một chương trình mới: Khách gửi từ 30 lượng vàng trở lên được hưởng lãi suất 2% một năm, cao hơn 0,7% so với mức tối đa mà đơn vị này đang áp dụng.
Diễn biến giá sau khi nhóm G5+1 tham gia bán vàng bình ổn
Phương Nam và Việt Á, hai nhà băng đang chờ được bổ sung vào nhóm bán vàng bình ổn đến hôm nay vẫn duy trì lãi suất 1,5% và 2% một năm với khách gửi vàng. Tuy nhiên, tại Việt Á Bank chi nhánh Hà Nội, khách gửi từ 15 chỉ trở lên được tham gia chương trình dự thưởng. Còn tại Phương Nam Bank, khách gửi vàng được nhận quà tặng.
Đây là lần thứ 2 trong tháng, lãi suất huy động vàng được một số ngân hàng tăng lên. Trước đó, một nhà băng thuộc nhóm G5+1 trần tình, việc bán vàng bình ổn khiến cho nhu cầu về kim loại này tăng, là nguyên nhân khiến cho các đơn vị dồn dập huy động chứng chỉ vàng. Để thu hút người gửi, lãi suất cũng phải đẩy lên so với trước.
Còn theo ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng Việt Á, tăng lãi suất vàng là cách để giữ chân khách trong bối cảnh các ngân hàng khác cũng dâng cao lãi suất. Ông Hưng chia sẻ, từ khi áp dụng lãi suất 2% một năm, lượng khách mới không tăng đáng kể, chủ yếu vẫn là khách cũ, song có thể giữ chân được họ nếu lãi suất hấp dẫn hơn trước. Đại diện ngân hàng Việt Á cũng phủ nhận thông tin đã được tham gia nhóm bán vàng bình ổn.
Một chuyên gia trong giới ngân hàng nhìn nhận, động thái huy động vàng lãi suất cao của những đơn vị không nằm trong nhóm bình ổn thị trường có nhiều khả năng xuất phát từ mục đích chuyển vàng thành tiền đồng. Ông này cho rằng, ngay cả khi huy động vàng với lãi suất 3% một năm, nếu giá ổn định, sẽ có lợi hơn so với huy động vốn bằng VND lãi suất 14%.
Dù thế, hoạt động này chịu rủi ro khá lớn, vì theo quy định hiện nay, ngân hàng nếu được chuyển vàng thành tiền, cũng phải cam kết hết quy trình, dự trữ vẫn còn 60%. “Ngân hàng huy động xong, nếu được phép chuyển, họ có thể chuyển cả 100%, nhưng mà sau đó phải mua lại ngay. Nếu như giá vàng cao, thì gần như lỗ là cái chắc. Do vậy, đây là bài toán liều trong tình hình hiện nay”, chuyên gia này nhận định.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng khi lãi suất huy động vàng đẩy lên cao sẽ có thể tạo ra rủi ro lớn. Ông cho biết, cuối năm nào theo chu kỳ, tỷ giá và giá vàng cũng có chiều hướng đi lên. Do đó, việc huy động vàng sau đó chuyển đổi thành tiền đồng, trước mắt có thể giải quyết thanh khoản, nhưng về lâu dài, đến kỳ mua vàng để tất toán cho khách, nguy cơ bị lỗ là rất cao, ông nói.
Ông cũng cho rằng, hoạt động bình ổn thị trường có vẻ như đang quá sức với nhóm G5+1. Lúc đầu, theo dự đoán, chỉ cần nhóm này bán ra 5 tấn, thì cùng với 10 tấn nhập về trước đó, thị trường trong nước có thể ổn định, giá trong nước và thế giới gần nhau hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi bán ra 10 tấn vàng, và hiện nay là khoảng 16 tấn, thị trường vẫn chưa "no", chênh lệch trong nước và thế giới còn khá lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét