Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Niêm yết giá bằng USD vì không biết luật


Niêm yết giá bằng USD vì không biết luật

Hôm nay, nhiều khách sạn, nhà hàng ăn uống, công ty du lịch... vẫn để giá bán đôla, dù theo quy định mới mức xử phạt với hành vi niêm yết giá bán bằng đôla có thể lên tới 500 triệu đồng.

Chiều nay trên đường Đồng Khởi, quận 1 TP HCM, bảng niêm yết giá phòng của một khách sạn lớn vẫn có hai loại tiền USD và đồng song song nhau. Bảng giá này trưng ngay trước mặt tiền khách sạn.
Trao đổi với VnExpress.net, người quản lý khách sạn cho biết do thường đón rất nhiều khách nước ngoài nên đơn vị mới niêm yết bằng USD song song với tiền Việt. Trong khi đó ban quản lý khách sạn không biết đến Nghị định 95 vừa ban hành. "Chúng tôi không biết rằng đang vi phạm luật. Ngay trong chiều nay khách sạn sẽ gỡ bỏ toàn bộ việc niêm yết bằng USD và thay bằng tiền đồng hết", người quản lý nói.
Một khách sạn lớn tại quận 1, TP HCM, chiều nay vẫn còn công khai niêm yết bảng giá phòng bằng USD. Ảnh: Lệ Chi
Tương tự, trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, tấm bảng ghi giá thức ăn, nước uống của một nhà hàng cũng chỉ thể hiện duy nhất bằng một loại tiền USD. Trong đó, cho biết thực đơn trưa giá chỉ 12 USD... Quản lý nhà hàng cũng giải thích không hề biết đến Nghị định 95 hay nghị định 202 về việc xử phạt khi niêm yết giá bằng USD. "Chúng tôi niêm yết giá bằng USD từ rất lâu rồi nhưng không thấy cơ quan chức năng nói gì. Hiện cũng không biết về nghị định 95", người chủ nhà hàng nói.
Bảng giá thực đơn niêm yết duy nhất bằng USD: Ảnh: Lệ Chi
Không chỉ nhà hàng, khách sạn... mới vi phạm việc niêm yết bằng USD, một số hãng tàu cũng vẫn thông báo giá cước và phụ phí bằng USD. Cụ thể như văn phòng đại diện của Công ty APL chiều nay vẫn thông báo với khách hàng mức thu phí bằng đôla. Nếu khách hàng lựa chọn thanh toán bằng tiền đồng thì vẫn được quy đổi theo giá bán USD của ngân hàng ở mức 20.996 đồng.
Hóa đơn giá trị gia tăng được hãng tàu hạch toán bằng USD. Ảnh: Lệ Chi
Ngoài ra, trên nhiều website tồn tại nhiều mẩu rao vặt cho thuê chung cư bằng đôla Mỹ. Anh Hùng, môi giới bất động sản cho biết, từ trước tới nay niêm yết bằng USD vẫn là một trong những hoạt động diễn ra thường xuyên trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, thường chủ nhà không yêu cầu khách phải mua đôla để trả, mà có thể quy thành tiền đồng. Với căn hộ giá 1.000 USD một tháng, căn cứ tính là giá USD bán ra ở một số tiệm vàng uy tín, hoặc tại phố Hà Trung (Hà Nội). Chẳng hạn, với giá đôla tự do hôm nay là 21.500 đồng, mỗi tháng, giá thuê căn hộ sẽ là 21,5 triệu đồng.
Lý giải về việc không sử dụng tiền đồng niêm yết, anh Hùng cho hay, chủ nhà muốn bảo vệ quyền lợi cho khách để tránh sự mất giá của tiền đồng. Do đó, nếu trả bằng đôla, khách sẽ được ký hợp đồng 2 năm, còn thuê bằng tiền Việt, thời hạn hợp đồng chỉ 6 tháng đến một năm. “Khi đáo hạn hợp đồng, nếu có biến động, chủ nhà có thể tăng giá thuê nhà do đó thuê bằng USD vẫn có lợi hơn”, anh nói. Ngoài ra, theo anh này, khách hàng của dịch vụ này, ngoài người Việt Nam còn là người nước ngoài, nên niêm yết bằng đôla sẽ khiến cho khách dễ so sánh hơn.
Theo khảo sát của VnExpress.net, từ sau khi Nghị định 95 có hiệu lực, tình trạng doanh nghiệp, cửa hàng niêm yết bằng USD đã giảm đi nhiều. Nếu như trước kia, gần như 90% các điểm kinh doanh máy ảnh, máy quay phim… đều có giá bán bằng đôla Mỹ, thì hiện nay đã chuyển hết thành tiền đồng. Chẳng hạn như các trung tâm điện máy Nguyễn Kim, Idea, Phong Vũ... hay như các trung tâm thương mại mua sắm lớn Pakson, Vincom... tất cả đều niêm yết duy nhất bằng tiền Việt.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, từ sau Nghị định 95 cơ quan này đã tiến hành kiểm tra quyết liệt việc niêm yết trái phép bằng USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chưa phát hiện ra trường hợp vi phạm.
Cũng theo ông Hạnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm tra hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ trong thời gian tới.
Chi cục quản lý thị trường TP HCM cũng cho biết từ sau khi Nghị định 95 có hiệu lực, thành phố chưa phát hiện trường hợp niêm yết giá bằng USD nào. Tuy nhiên, trước đó, theo cơ quan này, từ đầu tháng 10 đến ngày 19/10 có tới 8 vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ không được phép. Trong quý 3, tại TP HCM, cơ quan chức năng cũng phát hiện 12 vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ không được phép.
Tại Hà Nội, trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, không phải đến khi có Nghị định 95, trước đó lực lượng quản lý thị trường vẫn liên tục giám sát hoạt động niêm yết hàng hóa.
“Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm, chúng tôi vẫn tiến hành xử lý theo những hướng được quy định như tịch thu tài sản, lập biên bản xử phạt hành chính”, ông Lộc nói. Đồng thời, theo ông, hoạt động niêm yết hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ ở Hà Nội cũng ít hơn hồi đầu năm, dù vẫn tồn tại nhưng không dám công khai như trước.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, hiện nay không dễ để phát hiện các vi phạm về niêm yết giá vì người kinh doanh ngày càng khôn khéo hơn. Ông kể, có những mặt hàng, khi khách hỏi giá, rõ ràng báo là USD, nhưng lại tính và thanh toán bằng VND, nên không có bằng chứng là họ đang niêm yết bằng USD. Riêng với việc niêm yết song song bằng USD và VND, ông Lộc cho rằng, cũng có thể coi đó là biểu hiện đôla hóa, cần phải xem xét xử lý vì trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ được mua bán và định giá bằng đồng Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét