Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

'Cân nhắc điều chỉnh giá bán than cho điện'

'Cân nhắc điều chỉnh giá bán than cho điện'

Nếu tăng giá bán than cho điện theo cơ chế thị trường ngay trong năm 2012 thì điện sẽ tăng khoảng 200 đồng mỗi kWh.
> 'Năm 2012, điện sẽ biến động theo giá than'
'Giá điện tăng 5% làm CPI lên khoảng 0,369%

Tại buổi họp công bố Quy hoạch phát triển ngành than chiều 23/2, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện giá than bán cho các hộ ngoài điện về cơ bản đạt 80% giá thị trường. Tuy nhiên, đối với than cho điện nếu tính theo giá thành khai thác đã được kiểm toán năm 2010 thì mới được 57 - 63% giá thị trường. Tỷ lệ này trong năm 2011 mới chỉ đạt 51% - 55%.
Ảnh: Hoàng Lan
Tăng giá than cho điện là câu chuyện "nhạy cảm". Ảnh: Hoàng Hà
Mức chênh giữa giá thành và giá bán trong năm 2010 và 2011 lần lượt là 3.000 tỷ đồng - 5.000 tỷ đồng. “Giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Nếu không tăng giá thì sẽ rất khó khăn để phát triển các ngành than vì bình quân hằng năm nhu cầu vốn cho than là 42.000 tỷ đồng", ông Thọ phân tích.
Theo ông Thọ, nếu điều chỉnh giá bán than cho điện lên 70 - 80% so với giá thành sản xuất năm 2010 thì giá điện sẽ tăng 18 đồng mỗi kWh. Còn nếu tăng giá bán than cho điện theo cơ chế thị trường ngay trong năm 2012 thì điện sẽ tăng khoảng 200 đồng mỗi kWh.
Mặc dù khẳng định tăng giá là cần thiết, song Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cũng thẳng thắn: "Đây là câu chuyện nhạy cảm". Do đó, lộ trình tăng giá than cho điện cần phù hợp để vừa khuyến khích ngành than phát triển nhưng vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
"Chúng ta đang thực hiện kiềm chế lạm phát. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để có cơ chế sử dụng công cụ giá phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển", ông Thọ nói.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thẳng thắn, trong thời gian tới, nhu cầu than trong thời gian tới sẽ tăng rất nhanh, chỉ riêng than cho điện đến năm 2020 đã lên tới 77 triệu tấn, trong khi than trong nước chỉ đáp ứng được 29 triệu tấn. Như vậy, ngành than cần phải nhập tới 48 triệu tấn than.
Theo ông Thắng, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để đem than về cho đất nước, trong đó hai thị trường chính được hướng tới là Australia và Indonesia. "Đối với các nhà máy điện của tư nhân hay nước ngoài, Nhà nước khuyến khích họ tự tìm than", ông Thắng nhấn mạnh.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than, tổng tài nguyên và trữ lượng than của cả nước đến ngày 1/1/2011 vào khoảng 48,7 tỷ tấn; trong đó than đá chiếm 48,4 tỷ tấn, còn lại là than bùn.
Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành than đến năm 2020 cần hơn 317.700 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm toàn ngành cần 35.304 tỷ đồng. Nguồn vốn được thu xếp từ tự có, vay thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn hợp pháp khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét