Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Bộ trưởng Tài chính trấn an Quốc hội


Bộ trưởng Tài chính trấn an Quốc hội

Không lạc quan cũng không nên quá lo lắng vì nợ công Việt Nam tính theo chuẩn quốc tế vẫn ở ngưỡng an toàn, số tiền trả nợ hằng năm cũng không phải gánh nặng quá lớn cho ngân sách, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói trước Quốc hội sáng nay.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội sáng 28/10, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết tỷ lệ nợ, tính đến 31/12/2011 của toàn nền kinh tế sẽ ở mức 54,6% GDP. Đến hết năm 2012, con số này dự kiến đạt 58,4% GDP.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, những thống kê này được tính toán trên cơ sở giả định tăng trưởng của Việt Nam là 6% trong năm tới. Nếu nền kinh tế đạt được mức tăng cao hơn (khoảng 6,5%), tỷ lệ sẽ thấp xuống.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam đang chủ động hơn trong quản lý nợ. Ảnh: Hoàng Hà
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam đang chủ động hơn trong quản lý nợ. Ảnh: Hoàng Hà
Theo Bộ trưởng Huệ, phần lớn nợ của Việt Nam là các khoản viện trợ phát triển và vay ưu đãi, nên thời gian trả nợ dài và chỉ chịu lãi suất rất thấp. Cụ thể, 75% nợ của Việt Nam là viện trợ phát triển chính thức (ODA), 19% là các khoản vay ưu đãi khác. Các khoản vay này thường có thời hạn hàng chục năm với lãi suất thông thường dao động trong khoảng 0,75-2% một năm, chỉ có 7% là vay thương mại.
Cơ cấu vay ODA chủ yếu của Việt Nam
Thời gian vay (năm)Thời gian ân hạn (năm)Lãi suất
WB40100,75%
ADB30101%
Nhật Bản30101-2%
Nguồn: MOF
Về phương pháp tính, Bộ trưởng Huệ cho biết, khác với thông lệ của các nước phát triển, tính toán nợ công theo giá trị dòng tiền, nợ của Việt Nam được tính trên giá trị danh nghĩa. Nếu quy đổi sang giá trị dòng tiền thì mức nợ công hiện tại có thể thấp xuống.
Riêng về nợ Chính phủ, người đứng đầu ngành tài chính cho biết nợ nước ngoài hiện chiếm 58% và đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, nợ trong nước chiếm 42% và đang tăng lên. Bộ trưởng nhận định đây là tín hiệu tích cực bởi việc thay đổi cơ cấu sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong vay nợ, giảm sự lệ thuộc vào nước ngoài.
Đối với nghĩa vụ trả nợ, Bộ trưởng Huệ cho biết hiện ngân sách hàng năm bố trí 14-16% để chi trả. Riêng năm 2012, số tiền này tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Theo thông lệ quốc tế, con số này vẫn còn cách xa ngưỡng an toàn là 30%. “Về nợ công của Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng không quá lạc quan nhưng các đại biểu cũng không cần quá lo lắng”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận định.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành tài chính, Chính phủ hiện cũng ý thức rất rõ về cơ cấu nợ cũng như nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam có thể biến đổi rất nhanh trong những năm tới, đặc biệt là sau khi nền kinh tế bước vào ngưỡng thu nhập trung bình. Do vậy, cơ quan quản lý đã rất tích cực trong việc xây dựng chiến lược sử dụng và quản lý nợ quốc gia.
Trước mắt, các khoản vay Chính phủ và khu vực công sẽ được quản lý theo Luật Quản lý nợ công. Các khoản vốn ODA từ trước đến nay vẫn được tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đường quốc lộ, cầu hầm… Riêng vốn trái phiếu Chính phủ sẽ được sử dụng để phát triển đường giao thông cấp xã… Các thông tin chi tiết về nợ công cũng sẽ được Bộ Tài chính công khai hằng quý.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng ngành tài chính phải áp dụng kỷ luật thép trong quản lý nợ. Ảnh: Hoàng Hà
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng ngành tài chính phải áp dụng kỷ luật thép trong quản lý nợ. Ảnh: Hoàng Hà
Về lâu dài, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã được Chính phủ cho phép thành lập Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại để làm đầu mối quản lý nợ công. Cơ quan này cũng đang triển khai Đề án Xây dựng xếp hạng tín nhiệm quốc gia để góp phần cải thiện uy tín của Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các tổ chức xếp hạng quốc tế, qua đó giảm chi phí vay vốn của nền kinh tế.
Vấn đề quản lý nợ công được xem là một trong những đề tài nóng bỏng nhất sau 3 phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng không nên chỉ lấy các chỉ tiêu quản lý vĩ mô để đánh giá mức độ an toàn. Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Trần Hoàng Ngân, thực tế đã cho thấy nhiều quốc gia châu Âu cách đây 2 - 3 năm đã tuyên bố an toàn về nợ nhưng hiện đang đứng trên bờ vực của khủng hoảng nợ công. Do vậy, đại biểu Ngân đề xuất ngành tài chính cần phải duy trì kỷ luật “thép” trong điều hành, đặc biệt là trong việc quản lý nợ công.
Tuy vậy, trong số các đại biểu, cũng có ý kiến ủng hộ việc giữ nợ công ở mức trên 55% GDP. Theo đại biểu Đặng Thành Tâm (TP HCM), trong điều kiện phát triển hiện nay của Việt Nam, việc tiếp tục gia tăng nợ để đầu tư phát triển là cần thiết. Theo tính toán của đại biểu doanh nhân này, nếu vay thương mại một tỷ USD với lãi suất 7% một năm, thì sau 40 năm, số tiền mà Việt Nam phải trả sẽ lên tới 15 tỷ USD. Nếu vay ưu đãi với lãi suất khoảng 1% như Việt Nam hiện nay, số tiền này chỉ là 1,5 tỷ USD. “Do đó, nếu tính trong tương lai thì số nợ của chúng ta không đáng lo ngại lắm”, ông Tâm nhận định.
Về vấn đề rà soát đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong 9 tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, điều chuyển được 81.500 tỷ đồng chi đầu tư. Việc giảm chi thường xuyên 10% cũng tiết kiệm được 3.800 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, việc cắt giảm chủ yếu tập trung vào việc không cho kéo dài thời gian giải ngân các dự án của năm 2010, không ứng trước vốn 2012, không khởi công các công trình mới và soát xét điều chuyển vốn các dự án đang triển khai. Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết việc tái cơ cấu đầu tư nói trên chủ yếu là sắp xếp. Chính phủ không có chủ trương thu hồi vốn của các dự án đã triển khai trong năm 2011 về trung ương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét