Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Vốn 500 tỷ đồng mới được sản xuất vàng miếng


Vốn 500 tỷ đồng mới được sản xuất vàng miếng

Chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong nước trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng là điểm mới trong dự thảo Nghị định về kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước. 

Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước đã công bố những nội dung chủ yếu trong dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng bằng việc hạn chế số lượng các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất. Chỉ khi đủ các điều kiện bao gồm: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng miếng theo quy định, có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị đầy đủ; chiếm từ 25% trở lên thị phần sản xuất vàng miếng trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Ngoài ra, số lượng vàng miếng được sản xuất sẽ quy theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp, đồng thời tuân thủ quy định về nguồn gốc vàng nguyên liệu để ngăn chặn sử dụng vàng nhập lậu.
Vàng miếng
Số lượng các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng sẽ bị thu hẹp. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.
Trong dự thảo tháng 6, Nghị định quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ nêu ra 2 phương án: Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất. Nếu cấp phép cho doanh nghiệp, cơ quan này sẽ quy định trình tự, thủ tục, số lượng trong từng thời kỳ. Nhưng trong dự thảo Nghị định trình lên Chính phủ lần cuối cùng này, Ngân hàng Nhà nước đã quy định cụ thể, phải có từ 500 tỷ đồng vốn điều lệ, chiếm 25% thị phần kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp mới được sản xuất vàng miếng.
Cùng với siết chặt hoạt động sản xuất, Ngân hàng Trung ương cũng khẳng địnhkhông khuyến khích mua bán vàng miếng và thu hẹp đối tượng được mua bán, kinh doanh. Nguyên nhân là hiện nay, hoạt động này bị thả nổi, tự do tại 12.000 doanh nghiệp vàng, khiến cho Ngân hàng Nhà nước khó khăn trong quản lý và tăng nguy cơ vàng hóa. Do đó, cơ quan này sẽ siết chặt hoạt động cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
Những doanh nghiệp muốn được chấp nhận, phải đủ các điều kiện: Thành lập theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có từ 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán vàng; đã nộp từ 500 triệu đồng trở lên tiền thuế của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm năm gần nhất; có mạng lưới bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Việc làm này, theo Ngân hàng Nhà nước, có thể khiến cho số lượng các doanh nghiệp được mua bán kinh doanh vàng miếng giảm từ trên 10.000 xuống còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín.
Trong dự thảo trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu thông điệp sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm kiểm soát số lượng, điều tiết cung cầu, hạn chế đầu cơ, nhập lậu vàng.
Việc sản xuất, mua bán vàng trang sức cũng bị siết chặt hơn. Các doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước cấp mới được xem xét kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Để hạn chế gian lận tuổi vàng, cơ quan này cũng dự kiến quy định doanh nghiệp phải đóng mã ký hiệu và hàm lượng trên sản phẩm và công bố tiêu chuẩn áp dụng. Khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, bán được niêm yết công khai tại điểm giao dịch.
Cho rằng sàn vàng, kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, các sản phẩm phái sinh về vàng… tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến cho đầu cơ phát sinh gây bất ổn thị trường vàng, ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác ngoài dự thảo Nghị định, cấp phép hay không tùy thời kỳ.
Trong dự thảo trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất được thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường khi có diễn biến bất thường. Cách thức thực hiện, theo đề xuất của Ngân hàng Trung ương có thể là cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu; huy động vàng. Việc làm này theo đó sẽ có thể khắc phục đầu cơ, lũng đoạn trên thị trường, tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu vàng, duy trì chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế hợp lý nhất, hạn chế buôn lậu vàng.
Thị trường vàng được điều tiết thông qua chính sách thuế. Ngoài thuế xuất, nhập khẩu vàng, có thể sẽ áp dụng thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập nhằm làm giảm tính hấp dẫn của mua bán, tích trữ vàng miếng, hạn chế “vàng hóa” tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Hiện nay, trên cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM. Số lượng các doanh nghiệp tính đến thời điểm này là 8 công ty, trong đó sản phẩm vàng miếng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC chiếm 90% thị phần của cả nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét