Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Bối rối với con trẻ vì quảng cáo thuốc phòng the

Bối rối với con trẻ vì quảng cáo thuốc phòng the

Vừa đưa thìa thuốc siro ho cho con trai uống, chị Thoa ở Hoàng Cầu, Hà Nội ngớ người khi nghe cu cậu hỏi: "Uống thuốc này có phải một người khỏe, hai người vui không mẹ".

Chị Thoa chưa kịp phản ứng thì cậu con trai tiếp lời: "Mẹ ơi, một người khỏe, hai người vui là gì ạ. Một người khỏe phải là cả nhà vui mới đúng chứ, giống như con đang bị ốm, nếu con khỏe thì cả ông bà, bố mẹ và chị Chi nữa, sẽ vui chứ ạ".
Dù rất bức xúc vì đoạn quảng cáo thuốc tăng sinh lực của một loại thuốc nọ, chị Thoa vẫn không nhịn được cười khi nghe lý luận của con trẻ. Không biết phải giải thích thế nào cho con hiểu, chị đành phải nói rằng đoạn quảng cáo kia bị lỗi, người ta quên không bổ sung thêm các thành viên khác trong gia đình để cùng vui. "Rồi tôi đành hứa với con trai rằng: Khi nào có dịp, mẹ sẽ đề nghị các cô, các chú làm quảng cáo bổ sung thêm", chị nói.
Chị Thoa cho rằng quảng cáo hiện nay tác động rất nhiều đến con trẻ. Vì hơn ai hết, trẻ em là đối tượng chịu khó xem các chương trình quảng cáo nhiều nhất. "Khi xem chúng cũng rất tập trung, vì vậy, tác động đối với trẻ con là rất lớn", chị Thoa nói thêm.
Có con nhỏ, chị Thúy, giáo viên của một trường Tiểu học còn thấy dị ứng với quảng cáo thuốc giúp tăng cường khả năng sinh lý. Chị Thúy chia sẻ, mỗi khi vô tình tivi xuất hiện hình ảnh những đôi nam nữ giận hờn, ôm ấp nhau trên giường, cậu con trai mới 5 tuổi của chị lại hỏi “Cô chú ý làm gì vậy mẹ, sao vừa dỗi nhau đã quay sang cười với nhau thế ạ?”. Lúc đó, chị chẳng biết phải giải thích với con thế nào cho phải.

Theo chị Thúy, tivi hiện nay có rất nhiều khán giả ở độ tuổi nhí, các cháu lại thích xem quảng cáo. Xen giữa chương trình phim truyện, ca nhạc cũng thường xuyên xuất hiện quảng cáo, nội dung đường đột nên người làm bậc cha mẹ như chị, dù muốn tránh cho con cái những hình ảnh như vậy thì cũng rất khó.
Điều khiến chị lo lắng nhất là khi bị những hình ảnh đôi nam nữ quấn lấy nhau trên giường như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của cháu sau này. “Giờ còn nhỏ tuổi, mẹ nói sau thì cháu nghe vậy. Nhưng một vài năm nữa, cháu sẽ tò mò, thắc mắc nhiều hơn nhưng lại chưa đủ lớn để nghe hiểu”, chị Thúy nói.
Bên cạnh các quảng cáo về thuốc tăng cường sinh lý, một số quảng cáo thuốc chữa các bệnh nhạy cảm khác phát vào giờ ăn cơm cũng gây phản ứng của người xem. Bác Thành 65 tuổi ở Kim Ngưu, Hà Nội cho biết, cứ đến tầm 7 giờ tối, khi cả nhà sum vầy ngồi vào mâm cơm, vừa ăn được vài miếng thì chương trình tivi phát sóng quảng cáo thuốc tiêu chảy, trĩ, phụ khoa... Theo bác, các công ty chọn giới thiệu sản phẩm giờ ăn cơm nhằm có được nhiều người xem, nhưng chính nội dung trái nghịch đó khiến bác thấy thiếu được tôn trọng.
“Vừa đưa miếng cơm vào miệng thì thấy cảnh một anh chàng mặt mũi hốc hác ôm bụng chạy vào nhà vệ sinh, nuốt sao nổi. Đúng là tôi ấn tượng loại thuốc đó luôn, nhưng để khi có bệnh dùng thì chọn loại khác”, bác Thành nói. Sau vài lần như vậy, gia đình bác Thành quyết định tắt tivi trong bữa tối, vừa tránh quảng cáo như vậy, vừa để các thành viên trong nhà nói chuyện rôm rả cùng nhau.
Ngoài các quảng cáo gây phản cảm cũng có những đoạn clip tạo ra hiệu ứng khiến bố mẹ phải mua hàng do trẻ em bị ấn tượng quá lớn. Anh Thuận ở Cầu Giấy Hà Nội kể, cách đây 2 tháng, cô con gái rượu cứ nằng nặc đòi ba mẹ phải mua bằng được một chiếc chảo 2 mặt để về làm các món gà, cá, và thịt chiên. "Vợ chồng tôi đâu có thì giờ xem quảng cáo nên chẳng biết chảo 2 mặt ấy có đặc tính gì, và được bán ở đâu nên cố lảng chuyện khác. Thế nhưng, cô công chúa nhà tôi khóc nấc lên và dọa không ăn uống nếu mẹ không mua chiếc chảo này để về chế biến món ăn cho con", anh Thuận kể.
Tìm hiểu ra, anh mới biết ở nhà chị giúp việc hay cho cô bé xem các chương trình quảng cáo. Mục giới thiệu về sản phẩm trong đó có sản phẩm chảo chống dính cô bé thích nhất. "Con tôi còn cho rằng chiếc chảo này có phép thuật khi biến con cá đang giẫy giụa chỉ trong một giây đã được nấu chín và chuyển sang màu vàng óng. Cuối cùng tôi chịu thua trước con gái và đành phải bỏ hơn 1,2 triệu đồng để mua sản phẩm này dù biết rằng mua về chẳng mấy khi chúng tôi dùng đến", anh Thuận nói.
Lãnh đạo một công ty truyền thông lớn tại TP HCM nhận xét, quảng cáo nhằm thu hút nhiều người xem nên các công ty cung cấp thuốc chữa trĩ, tiêu chảy, phụ khoa... thường xuất hiện giờ nhiều gia đình ăn cơm cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, hệ quả của việc chọn thời điểm nhạy cảm so với sản phẩm có thể gây hiệu ứng ngược
Còn về những quảng cáo có hình ảnh gợi cảm của thuốc tăng sinh lực, chuyên gia về truyền thông này cho rằng, nếu không muốn con em mình xem được thì người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn kênh, giờ và chương trình phát sóng. "Chắc chắn không ai giới thiệu sản phẩm bổ thận giữa lúc chiếu phim hoạt hình bởi thiếu nhi không phải đối tượng tiêu dùng của mặt hàng đó. Nếu chú ý, các bậc phụ huynh vẫn có thể phòng tránh cho con em mình", anh nói.
Dự thảo Luật Quảng cáo đang được Chính phủ trình ra Quốc hội cũng quy định cụ thể các mức phạt đối với hành vi quảng cáo lập lờ, gây phản cảm cho người tiêu dùng. Góp ý cho dự thảo này, nhiều đại biểu cho rằng cần siết chặt hơn đối với các quy định về giờ quảng cáo đối với những mặt hàng nhạy cảm như dịch vụ mai táng, băng vệ sinh, thuốc chống tiêu chảy, táo bón, điều trị trĩ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét