Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

'Đua' xuất khẩu online

'Đua' xuất khẩu online

Trong khi chi phí marketing trực tiếp tại thị trường nước ngoài càng trở nên đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp đã tìm tới kênh quảng bá online và qua đó cũng ký được hợp đồng. Xu hướng này cũng đang dần phổ biến.
Xuất nhập khẩu ì ạch đầu năm

"Đây là năm thứ hai chúng tôi giới thiệu sản phẩm mình trên các trang online, nhiều thị trường mới được biết đến và rất nhiều nước hỏi thông qua kênh này", chị Đặng Hoài Thương, chuyên viên xuất khẩu Công ty Hữu Nghị cho biết.
Theo đại diện công ty chuyên về sản xuất bánh kẹo này thì các hợp đồng ký kết với Thái Lan, Triều Tiên, Nhật Bản có được là nhờ thông tin trên trang quảng cáo online. Doanh số xuất khẩu online cũng đã đạt được những thành công bước đầu, Hữu Nghĩ đã ký những hợp đồng khoảng 20.000 USD đi nước ngoài nhờ kênh online.
Ngay từ khi thành lập, phòng xuất khẩu của công ty này đã tìm kiếm đến các kênh thương mại điện tử đăng ký làm thành viên, thậm chí đăng ký làm thành viên "vàng" trên một trang online với chi phí lên đến 3.000 USD một năm.
Tương tự, Tập đoàn Trung Thành cũng tham gia xuất khẩu online gần một năm nay và nhận được thư hỏi hàng mỗi ngày của các nước. "Chúng tôi vừa mới ký trực tiếp với Hàn Quốc mặt hàng gia vị thực phẩm, các thị trường mới như Mỹ, vùng Trung Đông cũng đang tìm hiểu", đại diện Tập đoàn Trung Thành nói.
Chi phí đăng ký online trên trang web cũng chỉ mất 70 triệu đồng một năm (khoảng 5-6 triệu đồng một tháng), trong khi đó tham gia một hội chợ ở nước ngoài để quảng cáo sản phẩm đã lên đến 100 triệu đồng mỗi lần.
Xuất khẩu online đang được các công ty trong nước quan tâm. Ảnh chụp màn hình: Kiên Cường
Xuất khẩu online đang được các công ty trong nước quan tâm. Ảnh chụp màn hình
“Trước đây chúng tôi thường tìm kiếm khách hàng thông qua các kỳ hội chợ tại Đức, Mỹ, Hong Kong… và qua sự giới thiệu của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài", ông Đặng Quang Vũ, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Hapro chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ khẳng định.
Tuy nhiên, với sự phát triển nở rộ của một loạt các công ty kinh doanh mặt hàng tương tự, sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt, số lượng khách hàng mới của Hapro cũng vì thế mà giảm đi nên công ty này nhận thấy thương mại điện tử là giải pháp mới của mình.
Còn chị Võ Thu Nhã, phụ trách xuất nhập khẩu của Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, trung bình mỗi tháng, tập đoàn nhận được 150 lượt hỏi hàng từ khắp nơi trên thế giới thông qua trang online. "Hoạt động tích cực trên các kênh thương mại điện tử nằm trong chiến lược đưa thương hiệu, sản phẩm của chúng tôi đến với thị trường thế giới”, chị Nhã phân tích.
Những "tên tuổi" khác như: Nhựa Đông Á, Kềm Nghĩa, Thép Tiến Đạt, Cadisun, Hòa Phát, Viglacera, Prime, Hữu Nghị… cũng chọn sàn thương mại điện tử như một công cụ xuất khẩu trong tương lai.
“Năm nay, mô hình: B2C (doanh nghiệp - người tiêu dùng), C2C (người tiêu dùng - người tiêu dùng), mua theo nhóm (Groupon) phát triển ở thị trường nội địa thì B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp) xuyên biên giới sẽ được các doanh nghiệp tin dùng với thị trường nước ngoài”, ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty OSB, đại diện trang Alibaba.com tại Việt Nam dự đoán.
Trang thương mại điện tử Alibaba ghi nhận số thành viên Việt Nam gia nhập sàn này đạt con số 180.000 vào cuối năm 2011. Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Công Thương với 2004 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy: 100% doanh nghiệp đã ứng dụng thương mại điện tử, 70% doanh nghiệp tham gia các trang thông tin để mua bán sản phẩm với doanh thu trung bình chiếm đến 33% tổng doanh thu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét